Vật chất không chỉ là cái nội tại tạo ra một con người mà đó còn là mối liên hệ của con người với thế giới vật chất. Ý thức lại là sự phản ánh thế giới khách quan vào bộ não con người. Sự tồn tại song song của hai mặt đối lập ấy làm nổi cộm lên nhiều khúc mắc về mối quan hệ giữa vật chất và ý thức. Bàn luận về mối quan hệ giữa ý thức và vật chất, ta không thể không quan tâm đến cặp phạm tù tất nhiên và ngẫu nhiên.
Các mối liên hệ giữa các sự vật, hiện tượng hay giữa các bộ phận trong chúng
xuất hiện không giống nhau. Có mối liên hệ do bản chất của sự vật, hiện tượng
quy định, từ đó sinh ra phạm trù tất nhiên; có mối liên hệ do sự gặp nhau của
những điều kiện, hoàn cảnh bên ngoài quyết định, vì vậy chúng có thể xuất hiện
mà cũng có thể không xuất hiện, từ đó sinh ra phạm trù ngẫu nhiên. Do đó, khi
phản ánh hiện thực khách quan, con người nhận thức được tính không đơn nghĩa,
không ngang giá trị của các mối liên hệ khác nhau vốn có ở sự vật, hiện tượng
nên phân loại chúng thành nhóm các mối liện hệ nhất định phải xảy ra như thế (tất
nhiên), có thể không xảy ra, xảy ra thế này hay xảy ra thế khác (ngẫu
nhiên).
I. Khái niệm
- Trong quá trình vận động, phát triển của
thế giới khách quan có rất nhiều sự biến đổi, rất nhiều quá trình. Có những sự
biến đổi, quá trình xảy ra là do bản chất, do nguyên nhân bên trong của kết cấu
vật chất quyết định, do đó cái tất nhiên sẽ xuất hiện. Nhưng có những sự biến đổi,
những quá trình xảy ra không phải do bản chất của kết cấu vật chất, mà do
nguyên nhân bên ngoài, do sự ngẫu hợp của nhiều hoàn cảnh bên ngoài quyết định,
do đó chúng có thể xuất hiện, có thể không xuất hiện, đó là cái ngẫu nhiên.
Tất nhiên
Tất nhiên là phạm trù chỉ mối liên hệ bản
chất, do nguyên nhân cơ bản bên trong sự vật, hiện tượng quy định và trong điều
kiện nhất định phải xảy ra đúng như thế chứ không thể khác.
Vd: Trồng hạt ngô tất nhiên phải
mọc lên cây ngô chứ không thể là một cây nào khác.
Ngẫu nhiên
Ngẫu nhiên là phạm trù chỉ mối liên hệ
không bản chất, do nguyên nhân, hoàn cảnh bên ngoài quy định nên có thể xuất hiện,
có thể không xuất hiện; có thể xuất hiện thế này hoặc có thể xuất hiện thế khác.
Vd: Cây ngô tốt, hay không tốt
là do chất đất, thời tiết, độ ẩm bên ngoài hạt ngô quy định. Đây chính là ngẫu
nhiên.
II. Mối quan hệ biện chứng giữa tất nhiên và ngẫu nhiên
1. Tất nhiên và ngẫu nhiên tồn tại một cách khách quan, ở bên ngoài và độc lập với ý thức của con người
Dù con người có nhận thức được hay chưa, tất nhiên và ngẫu nhiên luôn tồn tại và phát huy vai trò của nó đối với sự phát triển của sự vật, hiện tượng.
Trong quá trình phát triển của sự vật, tất nhiên và ngẫu nhiên đều có vai trò quan trọng.
- Cái tất nhiên có tác dụng chi phối sự phát triển của sự vật.
- Cái ngẫu nhiên có ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển của sự vật, có thể làm cho sự phát triển đó diễn ra nhanh hoặc chậm.
Vd: Đất đai, thời tiết không
quyết định đến việc hạt ngô nảy mầm lên cây ngô, nhưng đất đai, thời tiết lại
có tác động làm cho hạt ngô nhanh hay chậm nảy mầm thành cây ngô.
2. Tất nhiên và
ngẫu nhiên là hai mặt thống nhất và đối lập
Tất nhiên và ngẫu nhiên tồn tại trong sự
thống nhất hữu cơ với nhau. Sự thống nhất hữu cơ này thể hiện ở chỗ: cái tất
nhiên bao giờ cũng thể hiện sự tồn tại của mình thông qua vô số cái ngẫu nhiên,
còn cái ngẫu nhiên là hình thức biểu hiện của cái tất nhiên, đồng thời là cái bổ
sung cho cái tất nhiên.
F. Engels nhận xét: “Sự xuất hiện các
nhân vật xuất sắc trong lịch sử là tất nhiên do nhu cầu xã hội phải giải quyết
những nhiệm vụ chín muồi của lịch sử tạo nên. Nhưng nhân vật đó là ai lại không
phải cái tất nhiên, vì cái đó không phụ thuộc vào tiến trình chung của lịch sử.
Nếu gạt bỏ nhân vật này thì nhân vật khác sẽ xuất hiện thay thế. Người thay thế
này có thể tốt hơn hoặc xấu hơn, nhưng cuối cùng nhất định nó phải xuất hiện”.
Vd: Sự xuất hiện lãnh tụ của
giai cấp vô sản có quan điểm duy vật về lịch sử giữa thế kỉ XIX là nhu cầu tất
yếu của sự phát triển của thực tiễn xã hội. Nhưng người đầu tiên đó là K.Marx
và F.Engels lại là điều ngẫu nhiên.
Như vậy ở đây "cái tất nhiên như là khuynh hướng chung của sự phát triển". Khuynh hướng đó không tồn tại thuần tuý, biệt lập, mà được thể hiện dưới hình thức cái ngẫu nhiên. Cái ngẫu nhiên cũng không tồn tại thuần tuý mà luôn là hình thức thể hiện của cái tất nhiên. "Trong cái ngẫu nhiên ẩn giấu cái tất nhiên".
3. Tất nhiên và
ngẫu nhiên có thể chuyển hóa cho nhau
Tất nhiên và ngẫu nhiên trong quá trình vận
động của sự vật và trong những điều kiện xác định có thể chuyển hóa cho nhau.
Không được hiểu chuyển hóa giữa tất nhiên và ngẫu nhiên theo nghĩa tất nhiên
chuyển thành ngẫu nhiên, mà phải hiểu, cái này, trong mối quan hệ này được coi
là tất nhiên thì trong mối quan hệ khác có thể được coi là ngẫu nhiên. Cũng vì
vậy, ranh giới giữa cái tất nhiên và ngẫu nhiên cũng chỉ là tương đối. Có cái
thông qua những mặt này hay trong mối quan hệ này là cái ngẫu nhiên, nhưng
thông qua những mặt khác hay trong mối quan hệ khác thì lại là biểu hiện của
cái tất nhiên và ngược lại. Do vậy, muốn biết cái gì là tất nhiên hay ngẫu
nhiên chúng ta phải đặt nó trong mối quan hệ xác định. Chúng ta cần lưu ý tới đặc
điểm này để tránh cái nhìn cứng nhắc khi xem xét sự vật, hiện tượng.
Vd: Việc trao đổi vật này lấy vật
khác trong xã hội công xã nguyên thủy lúc đầu chỉ là việc ngẫu nhiên. Vì khi đó
lực lượng sản xuất thấp kém, mỗi công xã chỉ sản xuất đủ cho riêng mình dùng,
chưa có sản phẩm dư thừa. Nhưng về sau, nhờ có sự phân công lao động, kinh nghiệm
sản xuất của con người cũng được tích lũy. Con người đã sản xuất được nhiều sản
phẩm hơn, dẫn đến có sản phẩm dư thừa. Khi đó sự trao đổi sản phẩm trở nên thường
xuyên hơn và biến thành một hiện tượng tất nhiên của xã hội.
III. Mối tương quan
Phạm trù tất nhiên có quan hệ với phạm
trù "cái chung", "nguyên nhân", "tính quy luật", nhưng không đồng nhất với những phạm trù đó. Cái tất yếu là cái
chung, nhưng không phải mọi cái chung đều là tất yếu. Nếu cái chung được quyết
định bởi bản chất nội tại của sự vật, khi đó cái chung gắn liền với cái tất
nhiên, là hình thức thể hiện của cái tất nhiên. Nếu cái chung không được quyết
định bởi bản chất nội tại, mà chỉ là những sự lặp lại một số những thuộc tính
khác ổn định nào đấy của sự vật, khi đó cái chung là hình thức thể hiện của cái
ngẫu nhiên. Và không phải chỉ có cái tất nhiên mới có nguyên nhân, mà cả ngẫu
nhiên và tất nhiên đều có nguyên nhân. Đồng thời cũng không nên cho những hiện
tượng con người chưa nhận thức được nguyên nhân là hiện tượng ngẫu nhiên, còn
những hiện tượng con người đã nhận thức được nguyên nhân và chi phối được nó là
cái tất nhiên. Tất nhiên và ngẫu nhiên đều có quy luật, những quy luật quy định
sự xuất hiện cái tất nhiên khác với quy luật quy định sự xuất hiện cái ngẫu
nhiên.
IV. Ý nghĩa phương
pháp luận
Thứ nhất, tất nhiên là cái nhất định
phải xảy ra đúng như thế, nên trong thực tế ta cần dựa vào cái tất nhiên chứ
không thể dựa vào cái ngẫu nhiên. Hiểu được tính tất nhiên tức là đã nắm được
quy luật khách quan của quá trình.
Thứ hai, tất nhiên không tồn tại
dưới dạng thuần túy nên trong hoạt động nhận thức chỉ có thể chỉ ra được tất
nhiên bằng cách nghiên cứu những ngẫu nhiên mà tất nhiên phải đi qua.
Thứ ba, ngẫu nhiên có ảnh hưởng đến
nhịp độ phát triển, thậm chí còn có thể làm cho tiến trình phát triển của sự vật,
hiện tượng đột ngột biến đổi. Do vậy, không nên bỏ qua ngẫu nhiên mà phải có những
phương án dự phòng trường hợp các sự cố ngẫu nhiên xuất hiện bất ngờ.
Thứ tư, ranh giới giữa tất nhiên
và ngẫu nhiên chỉ là tương đối, nên sau khi nhận thức được các điều kiện có thể
tạo ra sự chuyển hóa trên, có thể tạo ra điều kiện thuận lợi để "biến"
ngẫu nhiên phù hợp với thực tiễn thành tất nhiên và tất nhiên không phù hợp thực
tiễn thành ngẫu nhiên.
Vd:
- Dựa trên cơ sở quan hệ tất nhiên và ngẫu nhiên này con người có thể uốn cây cảnh theo con vật mình ưa thích, bác sĩ có thể nẹp răng cho trẻ em để răng đều đẹp, …
- Trong cơ chế thị trường thì việc tồn tại nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần là tất yếu. Nhưng tồn tại như thế nào, trong những giai đoạn lịch sử nào thì lại là điều kiện ngẫu nhiên định hướng sự phát triển của nền kinh tế xã hội.
Đăng nhận xét