"Vụ ám sát ông Roger Ackroyd" được bà Agatha Chritie sáng tác vào năm 1926. Tác phẩm này khi vừa ra đời đã trở thành biểu tượng kinh điển cho dòng văn học trinh thám thời bấy giờ. Gần 100 năm đã trôi qua, cuốn sách vẫn luôn nằm trong top những đầu sách trinh thám bán chạy nhất mọi thời đại.
Ông Roger là một triệu phú khu ổ chuột gồm toàn những người nghèo hoặc ít nhất thì không khá giả. Cái mà ông Roger thiếu, trong khi những người xung quanh ông thì thừa, đó chính là thời gian. Bởi thừa thời gian nên việc ngồi lê đôi mách đã trở thành truyền thống tại làng King’s Abbot. Và đáng buồn cho ông Roger, sau khi ông bị ám sát chết ngay trong đêm, người ta tỏ ra tiếc thương cho ông thì một, mà tám chuyện bàn bạc về đống gia tài của ông cùng với sự hả hê ra mặt của những người thừa kế, thì chiếm đến chín phần.
Và cũng thật không may cho một nhân vật khác, vị thám tử đại tài Hercule Poirot đang dưỡng già tại đây. Ông chọn ngôi làng có vẻ như bình yên này để ở ẩn, tránh xa sự đời. Nhưng đời thì không chịu bỏ ông, giống như cái cách mà án mạng không chịu từ bỏ thám tử Conan của Nhật vậy. Conan đi đến đâu thì mọc án mạng lên đến đấy, và Poirot cũng vậy.
Điểm khác biệt là trong khi Conan cố tỏ ra thật cool ngầu, ra oai với cảnh sát để thể hiện mình, dù thân thể đã bị trúng độc và bé con nhưng vẫn lăn xả phá án. Còn Poirot già tội nghiệp với cái đầu cắt hình quả trứng cùng bộ ria mép đồ sộ thì thực sự muốn nghỉ ngơi, ẩn thân trồng bí vui thú điền viên. Ông mai danh ẩn tích giỏi đến nỗi, “đặc vụ” siêu đẳng có biệt tài ngồi lê đôi mách thuộc hàng trứ danh tại ngôi làng, vẫn không moi được thông tin gì từ ông. Họ thậm chí còn chả biết nổi tên thật của ông là gì.
Cho đến khi án mạng xảy ra, và như thường lệ, lại có người cầu cạnh đến sự giúp đỡ của Poirot.
Chương mở đầu của cuốn sách dựng những hình ảnh bi hài đầy quen thuộc như vậy. Chỉ khác là lần này người đóng vai kể chuyện không phải là đại úy Hastings nữa, mà là vị bác sĩ duy nhất của làng. Dưới con mắt của bác sĩ James Sheppard, gã hàng xóm Poirot suốt ngày trồng bí thật sự bí ẩn, nhưng ông bận bịu với đống bệnh nhân nên rất tiếc không thể đóng vai Waston cho ai kia được. Còn chị của ông bác sĩ, trùm Sherlock chuyên ngồi lê đôi mách và đồn đoán sự đời, thì không một phút giây nào ngừng soi mói những người bên cạnh. Nhất là khi tin cái chết của Roger Ackroyd được lan truyền với tốc độ tia chớp, nơi làm việc của bác sĩ James đã bị chị gái ông biến thành chiến trường, sở chỉ huy của ốc sên truyền tin.
Và đó là lý do, dưới ngòi bút sắc lẻm của Agatha Christie, dưới góc nhìn của nhân vật bác sĩ James, vụ án mạng ông Roger bị ám sát lại trở nên đầy đủ, đa dạng thông tin đến như vậy.
Chỉ trừ một điểm: Ngay từ khi bạn đọc chương đầu tiên của tác phẩm, bạn đã bị lừa!
"Vụ ám sát ông Roger Ackroyd" không đơn giản như những gì người ta chợt nghĩ. Tất cả mọi nghi vấn đều dồn vào cậu con trai nuôi đang bỏ trốn của ông, lý do là vì khi Roger chết, phần lớn gia tài triệu phú sẽ thuộc về cậu trai kia, trong khi anh chàng thì đang ngập trong nợ nần. Có thể nói, nếu không xét về mặt đạo đức, con trai của ông Roger đứng đầu danh sách nghi phạm.
Cô con dâu hụt đáng yêu của ông cũng không phải dạng vừa đâu. Cô hả hê vì nhận được khoản thừa kế hơn 20.000 bảng, chấm dứt cảnh sống túng quẫn. Có thể nói, cô không có gì bị nghi ngờ về lời khai ông Roger còn sống lúc 9h30, cho tới khi thám tử Poirot bóc trần, cô đã ăn trộm một thứ gì đó…Và thế là, một lần nữa độc giả lại có thêm một kẻ tình nghi.
Hàng loạt những nhân vật khả nghi khác cứ liên tiếp xuất hiện và làm lệch hướng suy luận của độc giả. Khiến người đọc rơi vào mê hồn trận, không biết những gì thực sự đang xảy ra. Vụ án đi vào bế tắc, và một lần nữa, Poirot lại có màn tỏa sáng quen thuộc.
Thẩm vấn để tìm ra kẻ nói dối – Lặp đi lặp lại đến mỏi mệt.
Có thể nói điểm trừ lớn nhất của mọi tác phẩm trinh thám gắn với tên tuổi Agatha Chiriste chính là khai thác sâu vào từng nhân vật đến mức khiến người đọc quên đi mình đang mong chờ điều gì. Poirot liên tục gây buồn ngủ bằng việc thẩm vấn hết người này sang người khác, lặp đi lặp lại nhiều đến mức những độc giả kém kiên nhẫn sẽ vứt sách vào sọt rác.
Thật may là tác phẩm chỉ có 5 nhân vật khả nghi, và mọi việc chỉ lặp đi lặp lại với từng ấy đối tượng. Thật không ngoa khi nói rằng các tác phảm của Agatha chỉ dành cho những người kiên nhẫn. Poirot tuyên bố ông đã biết hung thủ. Và đó là lúc độc giả thực sự được rửa mắt. "Sốc", "điên rồ", "không thể tin nổi"…Đó là những mỹ từ để ca tụng cho cái kết do chính tác giả thiết kế – kẻ đã lừa lọc độc giả ngay từ đầu. Mọi nỗi đau đớn vì phải đọc những tình tiết tưởng chừng vô thưởng vô phạt của tác giả đưa ra, những chương truyện tẻ nhạt chán ngắt giờ đây không còn nữa.
Cứ đọc đi, rồi bạn sẽ bị lừa. VÀ rồi bạn sẽ quay lại ca tụng kẻ đã lừa lọc bạn nhiều như thế. Đó chính là cảm giác mà Agatha Christie luôn đem đến cho độc giả, không chỉ riêng "Vụ ám sát ông Roger" mà còn rất nhiều, rất nhiều tác phẩm trinh thám khác của bà.
Và đó là lý do khiến cho cái tên Agatha được mệnh danh là nữ hoàng truyện trinh thám. Chính vì Vụ ám sát ông Roger là một trong những viên gạch đầu tiên được bà xây nên cho đến khi lấp đầy cái danh xưng nữ hoàng ấy.
Tác phẩm mở ra motif thường thấy của các câu truyện trinh thám. Vẫn là những vụ án mạng tưởng chừng không có lời giải, tình cờ gần đấy lại có một vị thám tử tài ba tham gia tháo gỡ những mắt xích, vẫn khai thác những mâu thuẫn giữa những nghi phạm với nạn nhân. Điểm đáng chú ý ở văn phong của Agatha Christie chính là bà không cố làm nổi bật vị thám tử lên thành nhân vật chính mà bà luôn biết cách khai thác chiều sâu trong nội tâm của các nhân vật phụ, khiến cho mọi hành động, mọi động cơ của từng người đều có mục đích rõ ràng.
Một số đầu sách khác của tác giả Agatha Christie được xuất bản tại Việt Nam:
- Án mạng trên chuyến tàu tốc hành Phương Đông
- Án mạng trên sân golf
- Án mạng trên sông Nile
- Chuỗi án mạng ABC
- Mười người da đen nhỏ
Đăng nhận xét